Tiếu Lâm

Cười rồi ngẫm nghĩ

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Quốc hội không phải là phường chèo!

Thời gian gần đây, không thấy Vượng Râu – tức diễn viên hài Nguyễn Công Vượng xuất hiện trên sân khấu mà lại nổi tiếng trên một địa hạt khác: Những phát ngôn gây sốc về tình hình chính trị, những đàm luận liên quan đến “Dư luận viên”, “Biển Đông”, chống “Tàu” và gần đây nhất là tham gia cùng nhóm “xã hội dân sự” cùng những gương mặt như Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy và một số luật sư để tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
 

Cũng “chém gió, đốt đền” hòng nổi danh
Sẽ không có gì đáng bàn nếu những người ứng cử đó thực sự thực hiện quyền ứng cử để mang tài đức tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, góp phần vì dân, vì nước. Nếu nhìn theo khía cạnh ấy và xem xét những suy nghĩ, phát ngôn và hành động của Nguyễn Công Vượng gần đây thì sẽ thấy ngay việc làm của anh ta vì ai, hướng tới những mục tiêu gì?
quoc hoi khong phai la phuong cheo
Nguyễn Công Vượng
Trong một bài “trả lời phỏng vấn” của một trang mạng gồm tập hợp các bài viết tự phát, cổ súy cho những nhân vật “vận động tự ứng cử” gần đây, Nguyễn Công Vượng đã có nhiều từ ngữ lộng ngôn, chém gió, hô hào “đập bỏ cái cũ, thay cái mới”. Vượng cũng tự phụ cho rằng mình là “nghệ sĩ nổi tiếng”, “có quyền sinh quyền sát trong nghệ thuật” và không giấu giếm ý định ứng cử vào Quốc hội vì có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sẽ giúp làm tốt nhiều công việc như bảo tồn bảo tàng, chấn chỉnh văn hóa và giáo dục chỉ sau 1 năm đến 3 năm, hơn hẳn nhiều đại biểu Quốc hội hiện nay.
Khoan chưa bàn đến những ý kiến nêu trên. Trước hết, xin được điểm lại đôi chút thông tin về người tự ứng cử trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật này. Nguyễn Công Vượng sinh năm 1980, quê ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình như Vượng trả lời báo chí thì có bố là giám đốc, mẹ là giáo viên đều đã nghỉ hưu và đều là đảng viên. Lớn lên, Vượng theo học lớp diễn viên kịch tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và theo nghiệp diễn từ đầu những năm 2000 đến nay. Theo chính Vượng tự nhận khi trả lời phỏng vấn báo chí thì Vượng bắt đầu có chút tiếng tăm từ năm 2005 nhờ một số bầu sô mời diễn sau nhiều năm cộng tác với trung tâm sản xuất phim của Đài truyền hình Việt Nam. Sau đó, Vượng ít nhiều xuất hiện trong một số chương trình hài, tiểu phẩm truyền hình.
Nhưng, khác với nhiều nghệ sĩ hài khác, Công Vượng ít được tham gia các chương trình lớn, các sân khấu tầm cỡ quốc gia hay thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Việt Nam như Xuân Bắc, Tự Long, Xuân Hinh, Vân Dung, Quang Thắng…Và dường như để “bù” lại, mấy năm gần đây, Vượng liên tục gây sự chú ý của công luận bằng những phát ngôn và hành vi gây sốc, thậm chí phản cảm.
Đầu tiên phải kể đến vào đầu năm 2011, trả lời báo chí, Vượng hàm hồ cho rằng mình là danh hài “đứng thứ hai ở đất Bắc. “Tôi kiêu có cơ sở!”. Vượng chém gió: “Trận lớn nhất hàng 10 nghìn người ở Sân vận động Thành phố Vinh. Những ngôi sao lúc ấy đang nổi, đang hot nhưng đến khi tôi bước ra một cái là phát ngất. Lúc đó không phải từ già, không phải lớp trẻ mà cả già cả trẻ. Mà tôi ra, chưa mở câu nào đã vỗ tay rào rào, những ca sỹ lúc đấy ra không bằng...”. “Rạp tháng 8 Hải Phòng đất Bắc là rất chơi, Rạp 3/2 Nam Định… năm nào cũng mời Vượng "râu" diễn khai rạp, nhưng Vượng râu có nhận lời hay không là cả vấn đề”. Tuyên bố trên của Vượng đã khiến không ít nghệ sĩ bất bình, nhiều người tỏ ý coi thường, không chấp vì Vượng thích tự nhận mình xếp thứ mấy là việc của Vượng, vì nói như một vài nghệ sĩ thì hài của Vượng “không thuộc thể loại nào cả”.
Đầu xuân 2012, Vượng xuất hiện trên mặt báo với câu chuyện lái ô tô đi vào đường cấm, lại mang theo dùi cui điện trên xe, bị công an Hà Nội đưa về phường và xử phạt. Ngay sau đó ít lâu, Vượng lại lên báo mạng với hàng loạt bài tung ra phát ngôn kênh kiệu như: “Mỗi năm tôi đều đốt tiền tỷ để làm đĩa hài”.
Nhạt nhòa dần trên sân khấu với những màn hài nhạt nhẽo, nhiều bạn đọc phản hồi trên báo Giáo dục Việt Nam nhận xét về Vượng như vậy. Các đĩa hài Tết thì năm nào cũng bị ế nhưng như một kẻ khùng, Vượng chia sẻ với báo chí là vẫn dồn hết cát xê cả năm vào một vụ đĩa dù biết là lỗ chỉ vì “sống chết với nghề”.
Vai hề trên sân khấu chính trị
Sang đến năm 2014, Vượng ít xuất hiện trên sân khấu hài nhưng lại thường xuyên có mặt trên các sô diễn “hầu đồng” ở các chùa chiền lớn. Đặc biệt, cái tên Vượng râu bắt đầu “hot” trên mạng xã hội với hàng loạt bài chửi bới các “dư luận viên” bằng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa. Vượng gọi họ là “Dì Lìn Vào, Dâm Lòi Vú”, là “những con tinh trùng khuyết tật”. Trên face book cá nhân, Vượng tung hình giao du với các “nhà dân chủ” như Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Chí Tuyến, tụng ca Nguyễn Lân Thắng, hết lời khen những kẻ trong nhóm  No – U, một hội nhóm trá hình của tổ chức phản động Việt Tân. Vượng đã chuyển dần từ các vai diễn hề trên sân khấu sang những vai tuồng trên sân khấu chính trị của cái gọi là các tổ chức xã hội dân sự. 
Nhận xét về Vượng, trong một bài viết trên mạng xã hội, tác giả Tọa Sơn viết: “Cũng từ đó, Vượng hăng say một cách lạ thường. Vượng quan tâm đến chính trị nhiều hơn, nói cạnh khóe nhiều hơn và cũng nhiễm nhiều thứ bệnh của đám “rân chủ” nhiều hơn. Ngay như vụ Chí Tuyến sống bẩn sống thỉu, bị người đời đánh nhẹ cho một cái mà nhà hắn cũng mất hẳn 3 bát tiết canh lợn để ăn vạ, Vượng cũng đã hùa theo, không bằng, không chứng vu vạ hết cho chính quyền rồi đến công an. Và như thế, sự hư hỏng của Vượng bắt đầu được định hình rõ hơn. Trong không ít bài viết và comment trên mạng, Vượng công khai tỏ thái độ, quan điểm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; chê bai, chửi bới Đảng, Nhà nước; vu khống Đảng, Nhà nước “hèn với giặc, ác với dân”, “dâng biển đảo cho giặc”…
Trao đổi với người viết bài này, Vượng cứ khăng khăng vỗ ngực mình là yêu nước; Đảng, Nhà nước là xấu xa. Hỏi Vượng: Chỉ rõ xem Đảng dâng đảo, bán đảo ở chỗ nào, đảo nào thì không nói được, một kiến thức sơ đẳng về Trường Sa cũng không biết nhưng Vượng lại đòi yêu nước theo kiểu đòi ra Trường Sa hát cho bộ đội và nhân dân nghe. Rồi, Vượng ra sức tán dương, ngợi ca Nguyễn Lân Thắng – một kẻ vĩ cuồng phỉ báng cả bàn thờ tổ tiên, làm ô danh dòng họ Nguyễn Lân nhưng được Vượng ca tụng là yêu nước chân thành, có chí khí. Vượng còn thanh minh là Thắng nghèo lắm, nghèo đến cùng kiệt, nghèo đến lê tấm thân gầy guộc mà đi đấu tranh cho nhân quyền.
“Ít học nhưng…đi nhiều”
Trong bài trả lời phỏng vấn một trang mạng xã hội, Vượng có rất nhiều phát ngôn huênh hoang như: “Tôi tốt nghiệp hai bằng cử nhân nhưng không làm Nhà nước mà vẫn sống được, mà “sống khỏe” nên tôi không vào Quốc hội để oai hơn vì hiện đã rất “oai” rồi. Tôi có “quyền sinh quyền sát” trong mảng nghệ thuật của tôi nhưng tôi vào Quốc hội vì đây là trách nhiệm của tôi”. “Tôi đi nhiều, biết nhiều về văn hóa, giải trí, lễ hội, đền chùa, miếu mạo, tôi nắm rất rõ vì tôi được “lộc” đi rất nhiều nên vào Quốc hội thì tôi điều hành về mảng văn hóa sẽ rất tốt”. “Nếu để tôi bảo tồn bảo tàng di tích thì sẽ tốt hơn rất nhiều. “Không thể nghiệp dư cũng gọi là nghệ sĩ”. “Người ta học đủ bằng cấp mới lên được đại biểu Quốc hội thì đi thực tế rất ít, còn tôi ít học nhưng đi thực tế rất nhiều. “Bất cập lễ hội chỉ trong 1 năm thì giải quyết xong, bất cập giáo dục thì 3 năm giải quyết xong. Đấy, đại biểu Quốc hội phải như thế chứ không phải về hưu rồi nó vẫn như cái chợ vỡ”.  “Tôi là người rất bận về thời gian. Tôi làm tự do nên bận hơn cả những người làm ở cơ quan Nhà nước…”.
Với những phát ngôn trên cũng đủ thấy cái “tầm” của Vượng đến đâu, một kẻ vừa ba hoa, thiếu khiêm tốn vừa không có chút kiến thức tối thiểu về Hiến pháp, pháp luật. Vượng nên phân biệt rõ vai trò của cơ quan lập pháp và hành pháp. Giải quyết những vấn đề bất cập về văn hóa, giáo dục phải thông qua thay đổi hoạt động của cơ quan hành pháp bằng hệ thống chính sách, pháp luật và sự giám sát của Quốc hội chứ không phải mỗi đại biểu Quốc hội vào làm một tháng hay một năm như Vượng nghĩ.
Mặt khác, cũng nên biết rằng một trong những năng lực quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội là am hiểu pháp luật và có khả năng xây dựng pháp luật chứ không phải “ít học nhưng thực tiễn nhiều” như Vượng nghĩ. Một khía cạnh nữa, theo Luật tổ chức Quốc hội thì một trong 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là phải “có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”. Nếu Vượng kêu mình làm tự do nhưng còn bận mải hơn cả người làm trong cơ quan Nhà nước (có lẽ bận do chạy sô, hầu đồng) thì tốt nhất Vượng nên ở nhà đi hát, đi hầu đồng kiếm tiền, đừng ảo tưởng vào Quốc hội!
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc Nguyễn Công Vượng tham gia tự ứng cử và tung clip trả lời phỏng vấn cho trang “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” là một việc làm bất bình thường. Bởi lẽ, việc làm này của Vượng đã được nhiều trang mạng hải ngoại tung hô cùng với trên hai chục trường hợp tự ứng cử được các đài, báo hải ngoại gọi bằng các danh từ mỹ miều như TS Nguyễn Quang A, luật sư Lê Văn Luân, nhà báo “độc lập” Nguyễn Tường Thụy, “nhà hoạt động địa phương” Đặng Phương Bích, Nguyễn Thúy Hạnh v.v... Hoạt động của những đối tượng này cùng với Nguyễn Công Vượng đều được đưa lên các trang mạng xã hội, được cho là có bàn tay của tổ chức phản động Việt Tân đứng sau nhằm phá hoại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Thiết nghĩ, với những thông tin nêu trên cũng đủ nói lên nhận thức, nhân cách của Nguyễn Công Vượng, một kẻ mang danh nghệ sĩ nhưng “nghệ” thì ít mà “sỹ” lại quá nhiều và những việc làm tiếm danh yêu nước của anh ta chẳng qua chỉ là những trò lố có thể do người khác giật dây vì những mưu đồ đen tối!

Không có nhận xét nào: